Cần quy hoạch tập trung Trung tâm NCKH trọng điểm

TS Bạch Long Giang, ĐH Nguyễn Tất Thành đề nghị nên quy hoạch các phòng thí nghiệm nhỏ lẻ của từng khu vực thành trung tâm NCKH trọng điểm.

Tập trung các phòng thí nghiệm thành một trung tâm nghiên cứu

 

Chính sách của Nhà nước, bộ KHCN đã tạo điều kiện tương đối thông thoáng cho các nhà KH nghiên cứu, từ chuyên đề, nội dung cho đến cơ chế khoán chi. Điều này giúp cho nhà KH tiếp cận được nhiều dự án, mở ra môi trường nghiên cứu rất tốt, chủ động hơn để đi đến sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên để phát triển hơn nữa chúng ta cần phải tập trung nội lực bằng cách liên kết các phòng thí nghiệm lại với nhau.

 

Cần quy hoạch tập trung Trung tâm NCKH trọng điểm - 1

TS Bạch Long Giang

 

Thực tế, mỗi đơn vị, mỗi viện, trường quản lý một phòng thí nghiệm riêng nên quy mô không lớn, thiết bị không đầy đủ, mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Ngay ở TP.HCM cũng có nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, nhưng tính hiệu quả vẫn chưa phát huy hết. Các phòng thí nghiệm chỉ dành cho các nhà KH trong viện, trong trường sử dụng, các đơn vị khác muốn hợp tác, tiếp cận rất khó khăn.

 

Tại sao KHCN của một số nước lại phát triển mạnh? Do một phần họ biết tập trung các phòng thí nghiệm về một chỗ. Điều này giúp các nhà KH thuận tiện hơn trong việc tiếp cận điều kiện và môi trường nghiên cứu đầy đủ. Ở VN, thay vì để các phòng thí nghiệm nhỏ lẻ, sao không “gom” lại thành một trung tâm nghiên cứu theo đúng nghĩa của nó?

 

Việc tập trung tất cả các hạng mục phòng thí nghiệm thành một trung tâm nghiên cứu sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho đội ngũ nghiên cứu. Ví dụ: NCKH ở VN, khó nhất vẫn là khâu phân tích mẫu. Do thiếu thiết bị nên nhà nghiên cứu phải gửi mẫu đi nơi khác, thậm chí gửi ra nước ngoài. Trong khi mỗi lần gửi cần tập trung 1 số lượng lớn, chi phí gửi đi gửi về cũng là 1 vấn đề, chưa kể đến thời gian chờ đợi. Khi tập trung các phòng thí nghiệm lại, nhà KH có thể chủ động phân tích mẫu và lấy kết quả rất nhanh, lại tiết kiệm chi phí.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình nghiên cứu. Hệ thống dữ liệu này cần thể hiện đầy đủ thông tin các nhà KH của các lĩnh vực nghiên cứu tiêu biểu, để họ tương tác, trao đổi, hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực có liên quan hay có cùng mối quan tâm.

 

Mặt khác, để phát triển tốt việc NCKH, cần có chính sách, cơ chế, mức lương phù hợp để khuyến khích nhà KH toàn tâm toàn ý vào các công trình nghiên cứu. Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, với mỗi bài báo nghiên cứu SCI/SCI-E, ngoài mức thù lao thì được nhà trường thưởng thêm khoảng 20 triệu đồng để khuyến khích các nhà KH trẻ.

 

Phát triển nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu xã hội

 

Nhà nghiên cứu trẻ có nhiều sáng tạo, nhiều ý tưởng hay, nhưng để triển khai những đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, cần tiếp xúc với các sở KHCN để biết được nhu cầu của địa phương ra sao. Từ đó, tìm đề tài phù hợp với thực tế lâu dài vì có thể mất vài năm mới hoàn thành được, nhằm có thể tiếp cận hướng ứng dụng của địa phương.

 

Cụ thể, nhà KH muốn có các sáng chế, các công trình hỗ trợ nông dân thì họ phải tiếp cận với nhu cầu của nông dân, phải “ăn cùng, ngủ cùng” với nông dân, phải khảo nghiệm nhiều trước khi bắt tay vào nghiên cứu mới giúp giải quyết triệt để bài toán của người nông dân. Làm khoa học phải đi từ thực tế đời sống của nông dân mới có những công trình ứng dụng hay được.

 

Phát triển nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu của xã hội là một điều rất tốt. Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cũng phải chú trọng đầu tư, thể hiện bằng các bài báo KH được công bố quốc tế. Vì khi đánh giá trình độ phát triển KHCN của một quốc gia, người ta vẫn dùng tiêu chí là các bài báo công bố quốc tế để xếp hạng. Số lượng bài báo quốc tế của các nhà KH Việt Nam tăng lên, hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá tốt đối với KHCN nước ta. Từ đó, giúp KH cơ bản của Việt Nam tiệm cận với thế giới.

 


TS Bạch Long Giang, sinh năm 1983. Trưởng phòng KHCN, kiêm Phó trưởng khoa Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Thư ký Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Lĩnh vực nghiên cứu: Hóa học

- 24 công bố quốc tế thuộc hệ thống ISI.
- Chủ nhiệm: 01 đề tài của Quỹ  Nafosted; 01 đề tài cấp Bộ Công thương;  01 đề tài cấp Bộ Y tế.
- Tham gia 01 đề tài của Quỹ Nafosted (2015 – 2017), 01 đề tài cấp nhà nước, 01 đề tài cấp Thành phố HCM
- Vòng chung kết xếp hạng Giải thưởng Hội thi sáng tạo Kỹ thuật Tp.HCM năm 2014-2015
- Thành viên Ban cố vấn Khoa học, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ Thành đoàn.

 

 

 

Sự kiện Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ

Đầu tháng 9, Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà KH trẻ xuất sắc trên cả nước với lãnh đạo Chính phủ.

Tham dự buổi gặp mặt có 68 nhà khoa học trẻ, tuổi đời từ 35 trở xuống, được chọn từ gần 300 nhà KH trẻ có thành tích nổi bật đang làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, DN trên cả nước.

Những nhà KH được chọn phải có trên 10 bài báo KH đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế, hoặc đã đạt giải thưởng về KHCN quốc gia, có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ; có công trình được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao thuộc tất cả các lĩnh vực.

Đây là dịp để lãnh đạo Chính phủ, ngành KH&CN lắng nghe nguyện vọng của các nhà KH trẻ, từ đó có những chính sách phù hợp để thúc đẩy, hỗ trợ họ trong NCKH.


 

 

Theo Hà thế An

Liên kết hữu ích