Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên vận hành vào năm 2016

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên, tổng công suất 60 MW vào Quy hoạch điện VII.

 

Xây dựng Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên

 

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ đầu tư làm rõ các vấn đề lưu ý của các Bộ, ngành và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình lập, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.

 

Trên cơ sở đó, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường.

 

UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo việc lập quy hoạch nguồn nhiên liệu, quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch đất để phát triển dự án.

 

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 công suất 30 MW, vận hành trong giai đoạn 2016-2017; giai đoạn 2 công suất 30 MW, vận hành trong giai đoạn 2017-2018.

 

Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên vận hành vào năm 2016 - 1

 

Vai trò quan trọng của điện sinh khối 

 

Điện sinh khối (Biomass power) là việc sử dụng sinh khối (Biomass) để sản xuất điện năng. Trong đó, sinh khối là vật liệu hữu cơ dự trữ ánh sáng mặt trời dưới dạng năng lượng hoá học, năng lượng từ mặt trời được "giữ" lại bởi cây cối qua quá trình quang hợp trong giai đoạn phát triển của chúng. Khi được đốt cháy, năng lượng hoá học này được giải phóng dưới dạng nhiệt dùng để nấu nướng, sưởi ấm và làm nhiên liệu.

 

Khi thực vật sinh trưởng, chúng hấp thụ khí các-bon-níc (CO2) trong môi trường và dự trữ nó thông qua quá trình quang hợp. Một lượng CO2 tương đương được giải phóng khi thực vật bị phân huỷ tự nhiên hoặc đốt cháy. Điều đó có nghĩa là năng lượng sinh khối không đóng góp vào quá trình phát thải khí nhà kính.

 

Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ, nhiều nước đã quan tâm đầu tư và phát triển loại hình năng lượng này.

 

Trên thế giới, điện sinh khối là nguồn năng lượng lớn vào hàng thứ tư, chiếm khoảng 14%-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Năng lượng sinh khối được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới trong tương lai.

 

Tiềm năng điện sinh khối ở Việt Nam

 

Với lợi thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía. Phế phẩm nông nghiệp rất phong phú dồi dào ở Vùng đồng bằng sông Mê kông, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc (theo Tran Dinh Man, 2007; FAO, 2005; GSO, 2002). Hàng năm tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện (theo Nguyễn Thiện Thanh, Phát triển ứng dụng sinh khối tại Việt Nam, 2005)

 

Các nguồn sinh khối khác bao gồm sản phẩm từ gỗ, chất thải đô thị và chất thải gia súc. Các sản phẩm và phế phẩm từ gỗ tại các công ty sản xuất chế biến gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên hoặc rừng trồng và gỗ nhập khẩu.

 

Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao thì giải pháp sử dụng nguồn điện sinh khối để thay thế mang ý nghĩa to lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai.

 

Vì vậy, đầu tư các nhà máy điện sinh khối không chỉ đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng mà còn góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước theo xu hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, điện sinh khối còn giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập từ những thứ mà trước đây là phế thải như rơm, trấu, bã mía, mùn cưa,… vào tạo thêm nhiều việc làm cho họ.

 

Các dự án sinh khối tại Việt Nam:

1) Nhà máy sản xuất đồng phát nhiệt và điện sử dụng bã mía (đồng phát đốt bã mía) của khoảng 40 công ty sản xuất đường trên toàn quốc trong số đó đa phần là các nhà máy Việt nam và một số nhà máy nước ngoài.

2) Sản xuất điện từ trấu ở TP Cần Thơ và Tỉnh An Giang

3) Sản xuất điện và nhiệt đồng phát từ trấu ở TP Cần Thơ

4) Sản xuất khí từ trấu để cung cấp nhiệt cho sản xuất gốm sứ và ngói ở tỉnh Đồng Tháp.

5) Các nghiên cứu về thiết bị khí hoá từ sinh khối, …

 
Theo N.P (Tổng hợp)

Liên kết hữu ích